Năm
2010, thế giới nhập khẩu khoảng 1,26 triệu tấn nấm, giá trị khoảng 3, 3 tỷ USD,
trong khi VN chỉ mới thu về được khoảng trên dưới 30 triệu đô la từ xuất khẩu
nấm mỗi năm. Có tiềm năng phát triển ngành nấm, nhưng rõ ràng muốn sản phẩm này
trở thành thương hiệu quốc gia, VN cần có lộ trình rõ ràng hơn với những tính
toán cụ thể về giống, cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiếp
thị sản phẩm…
Nấm linh chi
Việt
Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành nấm. Tuy nhiên, với những khó khăn như quy mô sản xuất
nhỏ lẻ, manh mún; năng suất thấp do giống cũ; mùa vụ bấp bênh vì dịch bệnh, mất
giá…nên sản lượng nấm hàng năm mới chỉ dừng ở con số khiêm tốn là 250.000 tấn,
và giá trị xuất khẩu chỉ đạt gần 30 triệu USD.
Khó
khăn trong phát triển nấm ăn
Với
các hộ sản xuất nấm thương phẩm thì hai cái khó thường trực là dịch bệnh và đầu ra bấp bênh. Sau gần 2 tháng canh tác, cơ sở trồng nấm của ông Bùi Văn Chuyền, xã Bàu Trâm, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai sẽ thu hoạch
khoảng 30 tấn nấm thương phẩm. Tuy nhiên, nhiều khi sản lượng giảm tới 1/3 do
nhiều loại dịch bệnh tấn công.
Bên cạnh đó, nấm thương
phẩm như loại nấm sò mà ông Chuyền
trồng, vì chưa có công nghệ bảo
quản tốt nên sau khi thu hoạch là phải bán ngay. Cũng vì thế mà vào chính vụ, thương lái
thường xuyên ép giá người trồng. Như năm ngoái, ông Chuyền đã phải bán nấm thấp
hơn 1.000 đồng so với giá thành, dẫn tới thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
“Năm vừa rồi bị ép rất là
nhiều, căn bản là mình làm do đồng vốn không có mà mình lại phải bán ngay nên
bị thương lái ép.”- Ông Chuyền nói.
Đồng
Nai là tỉnh trồng nấm đứng đầu cả nước, với khoảng 1.400 hộ trồng, mỗi năm cung
cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn nấm tươi các loại. 5 năm trước, Đồng Nai đặt mục tiêu đưa
sản lượng nấm lên 50.000 tấn/ năm, doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên,
mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức vì năng suất nấm đã giảm tới 1/3 do giống
nấm cũ từ 20 năm trước. Bên
cạnh đó, quy mô trại nấm chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ.
Ông Cao Hải
Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai cho biết :“Những hộ sản xuất lớn thì có thể
chủ động được đầu ra nhưng còn đối tượng nhỏ thì tôi nghĩ nên phải tổ chức lại
sản xuất, ít nhất là liên kết lại với nhau để làm sao nguyên liệu, quy trình sản
xuất được đồng nhất, rồi thị trường đỡ khâu trung gian đi.”
Việt Nam hiện chiếm khoảng 11% sản lượng nấm mèo
toàn thế giới, trong đó đóng góp của Đồng Nai là gần 2/3. Rõ ràng, trong tương
lai, tỉnh này có thể trở thành vùng chuyên canh nấm mèo xuất khẩu. Nhưng bài
toán cần giải quyết ngay là giống cũng như tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện
đại hơn.
Nấm dược liệu mới vào vạch
xuất phát
Không
đa dạng như các sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu sản xuất thương phẩm ở Việt Nam
hiện nay mới chỉ có nấm linh chi, với sản lượng khoảng 300 tấn/năm, quá nhỏ so
với con số 4.300 tấn của thế giới.
Nấm dược liệu gặp khó khăn trong cạnh tranh thị trường- Ảnh minh họa
TP.HCM
là địa phương đầu tiên sản xuất thương phẩm loại sản phẩm này nhưng tới nay
cũng chỉ có 29 trại nấm lớn, và thực tế là đã có nhiều mô hình bị phá sản vì
thua lỗ. Sức cạnh tranh yếu do không có thương hiệu là khó khăn mà ngành trồng
dược liệu đang gặp phải.
Người trồng nấm linh chi đầu tiên ở Việt Nam là Th.S Cổ Đức Trọng. Theo ông, nhu cầu trong nước ngày càng rộng mở, tuy nhiên, do người dân còn “sính ngoại”, thêm việc quản lý thị trường còn “thả cửa”, dẫn tới tình trạng bát nháo “nhãn hiệu” và thua thiệt lại thuộc về linh chi Việt Nam.
Mục
tiêu cụ thể mà ngành nông nghiệp đưa ra là tới năm 2015, sản lượng nấm các loại
sẽ đạt 400.000 tấn, trong đó 25% xuất khẩu. Con số này tới năm 2020 là 1 triệu
tấn, với doanh thu xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD.
Theo
ThS Cổ Đức
Trọng, để đạt được những con số đó thì ngay từ lúc này phải tổ chức lại sản
xuất theo hướng tập trung vào giống, công nghệ, xây dựng các mô hình tập trung,
quy mô lớn chứ không dàn trải.
Theo
Quyết định 439 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ thì nấm ăn và nấm dược liệu
cùng với cá da trơn là 2 sản phẩm dự bị nằm trong danh mục sản phẩm quốc gia
thực hiện từ năm 2012. Điều đó cũng đặt ra vấn đề: phải có chiến lược xây dựng
thương hiệu quốc gia và maketting cho sản phẩm này:
Ông
Trần Hoàng, Chủ
tịch CLB Xây dựng thương hiệu nông – thủy sản Việt Nam cho biết: “Mấu chốt và lâu dài để chúng ta có thể xây dựng thương
hiệu cho nấm là chúng ta phải có công nghệ tiếp thị. Ở đây, đó là giải quyết bài toán về sản phẩm, định
vị, về giá, về phân phối… Chúng tôi cũng chưa thấy
có công trình nghiên cứu nào về cái đó dưới góc độ nghiên cứu xây dựng thương
hiệu. Thương hiệu của chúng ta
nó được hình thành dần theo thời gian, với một tầm nhìn xa, theo tôi cũng phải
10 – 20 năm.”
Những
gian nan ở phía trước trong câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho cây nấm có thể
nhìn thấy rõ, bởi ngay cả đối với những nông sản chủ lực giúp VN trở thành một
trong những quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu nông sản như: gạo, cà phê, hồ
tiêu, cao su, điều, cá tra, thì cũng chưa sản phẩm nào có thương hiệu quốc gia,
dẫn tới những thua thiệt trên thị trường thế giới.
Theo chuyên gia nông, thủy
sản Võ Hoàng Nguyên, để xây dựng
thương hiệu nấm quốc gia, Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều cần phải vào
cuộc: “Nhà nước thì
phải có vai trò hướng dẫn, định hướng, điều tiết, lấy kinh
phí từ Nhà nước điều tra thị trường ở các nước xuất khẩu,
chia sẻ thông tin đó cho các nhà sản
xuất Việt Nam. Doanh nghiệp cũng phải có tầm nhìn vĩ mô, liên kết các thế mạnh
mà anh có, không được nghĩ tới chuyện
phá giá nhau để bán. Còn về phía người nuôi, các trang trại đơn lẻ thì phải
trang bị cho họ những kiến thức về quản lý, tài chính, thậm chí cho họ biết thị
trường xuất khẩu bên kia hình ảnh ra sao, thì họ sẽ có điều chỉnh rất tốt.”
Nấm ăn và nấm dược liệu được liệt vào danh
sách sản phẩm quốc gia, xây dựng từ nay tới năm 2020. Nói là sản phẩm
quốc gia, cũng nghĩa là thương hiệu quốc gia, sản phẩm sẽ đại diện cho
ngành nông nghiệp xâm nhập, cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường thế giới,
đương nhiên, mục tiêu cuối cùng là mang về ngoại tệ cho đất nước, đảm
bảo lợi nhuận của người nông dân. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, ngành
nấm phải tháo gỡ rất nhiều khó khăn.
Thực
hiện: Việt Hải
Ảnh:
Thanh Sơn
No comments:
Post a Comment